Sau những Yoga, Kung Fu (võ thuật) của phương Đông đã tràn vào phương Tây từ mấy thập kỷ qua, nay đến lượt Feng Shui (Phong Thủy) xuất hiện như một cái mốt mới.
Trong số các môn khoa học huyền bí phương Đông, phải nhìn nhận Phong Thủy là khoa học gần gũi thực tế cuộc sống nhất. Người phương Tây có cơ hội tiếp cận Phong Thủy tuy có cho rằng đây là một khoa huyền bí cổ truyền có lịch sử hàng nghìn năm của xã hội nông nghiệp Trung Hoa, nhưng cơ bản nó vẫn là một môn “khoa học môi trường” mang tính thời đại đáng được tìm hiểu và nghiên cứu ứng dụng nghiêm chỉnh cho xã hội công nghiệp. Ý niệm tác động qua lại giữa “Thiên-Địa-Nhân” (Trời-Đất-Người) của phương Đông không mấy xa lạ với ý niệm về mối quan hệ tương tác giữa “Con người-Xã hội-Thiên nhiên” của phương Tây. Tất cả đều có cùng một mục tiêu là mong muốn tìm kiếm lại sự hài hòa và cân bằng cho cuộc sống của loài người từng bị xâm hại suốt một thế kỷ phát triển công nghiệp vừa qua.
Tuy vậy, sở dĩ người phương Tây dễ tiếp thu khoa Phong Thủy là do bộ môn khoa học huyền bí này không giống như các khoa Tử Vi, Tướng Mệnh chẳng hạn (cho rằng mọi vật có số phận riêng, định mệnh đã an bài, khó lòng thay đổi), mà chủ trương rằng con người có thể chủ động can thiệp nhắm thay đổi, sửa chữa lại những cái gì chưa hoàn hảo để làm tốt hơn cho cuộc sống.
Cho nên không ai lấy làm lạ một khi khoa Phong Thủy du nhập vào thế giới phương Tây thì đã nhanh chóng biến thành nghệ thuật ứng dụng, chủ yếu nhắm sắp đặt, trang trí nhà cửa, sân vườn, văn phòng và cơ sở thương mại. Người ta cố tình loại bỏ phần “Âm phần” (tìm huyệt mộ trong xã hội nông nghiệp phương Đông) rõ ràng là không phù hợp chút nào với xã hội công nghiệp và đô thị hóa kiểu phương Tây.
Ứng dụng cụ thể vào cuộc sống
Với những nguyên tắc đơn giản mà hiệu nghiệm, khoa Phong Thủy có thể thích nghi vào xã hội mới, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp, công việc làm ăn khả quan hơn. Do vậy mà người phương Tây, nhất là người Mỹ, không ngại xông xáo tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng môn khoa học môi trường mới đến từ phương Đông này. Họ đã trực tiếp tìm kiếm học hỏi từ các chuyên gia phong thủy ở Trung Quốc cũng như trong cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài để rồi truyền bá nó ra qua sách báo, băng hình, giảng dạy, “talkshow” giải đáp thắc mắc trên truyền hình, trên báo chí…
Ngày càng nhiều những nhà kinh doanh phương Tây quay về từ châu Á cũng đã đem khoa Phong Thủy ra áp dụng vào cơ sở làm ăn, nhà cửa của họ. Người Mỹ ở tầm trung bình cũng hiếu kỳ nghiên cứu Phong Thủy, bắt đầu ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày và họ thừa nhận đã thu đạt kết quả tích cực.
Phong thủy trong cộng đồng gốc châu Á ở phương Tây
Cộng đồng di dân người Hoa rõ ràng là tin tưởng có phần hơi quá đáng vào khoa Phong Thủy cổ truyền của họ, nhiều khi đến mức mê tín dị đoan. Người Việt mình thì ít nhiều cũng tin Phong Thủy khi mua hoặc xây nhà, nhưng không đến nỗi quá đáng như Hoa kiều. Nhiều người mình (gồm cả Việt kiều lớp trẻ) cũng có một số hiểu biết nhất định về Phong Thủy qua nghiên cứu sách báo. Ví như một kỹ sư trẻ tôi quen mua nhà ở California nhất định không chịu chọn kiểu nhà có cầu thang nhìn thẳng ra cửa chính hoặc đã xây sẵn hồ bơi ngay phía sau khối nhà…
Nay công ty địa ốc lớn nhất nước Mỹ là KB Home đã xây dựng “nhà phong thủy” để bán cho cộng đồng người di dân gốc Á và thuê cả nhân viên bán nhà rành về phong thủy tư vấn khách hàng. Năm nay họ khoe là đã bán được một nửa trong tổng số 32.000 căn nhà của họ cho khách hàng gốc châu Á.
Môn Phong Thủy nay đang được giảng dạy tại các khoa Châu Á học tại các đại học và dự kiến sẽ trình bày như chuyên đề khoa học ở các khoa liên quan đến khoa học môi trường và sinh thái, đến các bộ môn thiết kế như quy hoạch đô thị, kiến trúc, trang trí nội thất, cảnh quan…
Riêng tôi không nghĩ rằng Phong Thủy có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện của cuộc sống. Tất cả những gì do con người tạo ra đều tương đối, Phong Thủy muốn thành công cần có sự hỗ trợ của những yếu tố khác. Tuy vậy, tôi cũng nghĩ khoa Phong Thủy cần được người mình quan niệm lại một cách nghiêm chỉnh hơn, không nên xem nó hoàn toàn như một khoa học huyền bí, còn đầy rẫy những điều mê tín dị đoan chưa đáng tin cậy, mà cần xem nó như môn “khoa học môi trường” mang tính cổ truyền đã từng tồn tại trong vốn văn hóa dân tộc. Như vậy thì nó cần được gìn giữ và phát huy theo hướng nhân văn và khoa học, nhằm phục vụ cuộc sống của nhân dân ta bước vào thời đại mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét