Thông tin chung: Dự án: Tháp khách sạn, văn phòng Capital Gate, Abu Dhabi, United Arab Emirates (CapitalGateTowerAbuDhabi)
Địa điểm: Abu Dhabi, United Arab EmiratesTư vấn thiết kế: RMJM Architect Mechanical Quy mô: 35 tầng, cao 160m Hoàn thành: Năm 2011.
Capital Gate là một toà nhà cao tầng thuộc Dự án tổng thể phát triển Trung tâm triển lãm quốc gia Capital Centre/ Abu Dhabi, bao gồm 23 toà tháp khách sạn, thương mại, chung cư và các công trình sử dụng hỗn hợp khác, bố trí dọc theo bờ biển phía Tây Nam của Abu Dhabi, nhìn ra phía đường cao tốc. Đây là nơi hàng năm tổ chức khoảng 200 sự kiện và chào đón khoảng một triệu du khách. Capital Gate có chức năng sử dụng hỗn hợp gồm văn phòng với diện tích khoảng 15000m2 và một khách sạn 5 sao, do RMJM Architect Mechanical thiết kế.Vị trí công trình trong tổng thể dự án
Nhìn từ xa hình dáng nghiêng, tròn của toà tháp thu hút mạnh mẽ người quan sát, cả từ trên biển và trên sa mạc. Toà tháp như một công trình điêu khắc có dạng xoắn ốc, như các xoáy cát, gắn với mái cong chạy dài suốt khán đài liền kề như một lượn sóng ôm lấy một phần của công trình.
Mặt bằng tầng 1
Mặt bằng đại điện từ tầng 3 đến tầng 16
Mặt cắt
Cấu trúc của công trình đạt được nhờ hệ kết cấu diagrid
Capital Gate trước hết là một toà tháp nghiêng. Vào thời điểm tháng 6/2010, sách kỷ lục Guinness đã chứng nhận Capital Gate là tòa tháp do con người xây dựng nghiêng nhất thế giới. Tòa nhà tạo một góc 18 độ so với phương thẳng đứng, gấp 5 lần độ nghiêng của tháp Pisa. Để tạo ra hình thức như vậy, công trình có hệ kết cấu chịu lực rất phức tạp và sử dụng công nghệ xây dựng rất tiên tiến. Hệ kết cấu chịu lực của công trình là hệ kết cấu dạng vỏ lưới khung tam giác (digrid) không có cột. Đây cũng là toà nhà đầu tiên ở Trung Đông sử dụng hệ kết cấu dạng diagrid này. Từ tầng 1 đến tầng 18, hệ dầm – sàn một phần được neo vào hệ khung diagrid bằng thép bao quanh công trình, một phần neo vào lõi chịu lực BTCT tại trung tâm công trình với nhịp điển hình khoảng 12m. Từ tầng 18 đến tầng 36, do công trình nhô xa ra khỏi lõi chịu lực BTCT nên phần thân của công trình thậm chí có hai lớp vỏ lưới diagrid để đỡ các tấm sàn. Các thanh chịu lực của lớp vỏ lưới diagrid bên ngoài có tiết diện hộp 0,6x0,6m từ các bản thép tạo thành; các thanh thép chịu lực của lớp vỏ lưới diagrid bên trong có tiết diện tròn đường kính 0,4m bằng ống thép rỗng. Điểm nối của các thanh trong hệ kết cấu diagrid được phân bố tại vị trí neo tấm sàn. Hệ khung lưới diagrid còn có vai trò tiếp nhận các tải trọng gió và động đất cũng như độ chênh lệch về tải trọng của các tầng nhà. Các tấm sàn được xếp thắng đứng lên nhau đến tầng 12 và nhô dần ra mỗi tầng từ 0,3-1,4m để tạo lên hình dáng nghiêng của công trình. Toà tháp này phải dùng đến 15.000m3 bê tông, kết hợp với 10.000 tấn thép để xây dựng và được neo vào đất bằng 490 cọc khoan sâu 20-30m. Do mặt bằng từng tầng vươn ra khác nhau, nên trong công trình không có hai phòng như nhau; 12500 tấm kính mặt tiền cũng có kích thước khác nhau và 8250 các thanh thép trong hệ thống diagrid cũng có chiều dài khác nhau.
Hình thức kiến trúc đặc sắc của công trình không chỉ có được từ đặc điểm nghiêng lệch nhiều ra khỏi trục thẳng đứng mà còn ở hình dạng phễu xoắn ốc lên phía trên và ra phía ngoài của nó. Chính đặc điểm này làm nên hình thức có tính điêu khắc rất riêng biệt của công trình. Do nửa phần trên của tháp được mở rộng, nên tại đây hình thành một không gian thông tầng suốt chiều cao 18 tầng khối khách sạn. Không gian này được chiếu sáng từ trên mái, tạo ra một môi trường vừa yên tĩnh vừa cuốn hút. Cơ cấu bề mặt của toà nhà được phân chia bởi hệ lưới thanh tam giác (diagrid) và được phủ bằng các tấm kính thuỷ tinh bao bọc toàn bộ công trình. Ngoài ra, hình dáng phức tạp của công trình còn được gắn thêm một tấm lưới kim loại che nắng ở nửa dưới của tháp, làm nổi bật sử dụng khác nhau của tháp - văn phòng ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên.
Nội thất của các phòng khách sạn được thiết kế theo tiêu chuẩn 5 sao. Tại đây còn có một hồ bơi tại tầng 19 của toà nhà. Trên đỉnh của toà nhà bố trí một sân bay trực thăng.
Nội thất khu vực văn phòng
Nội thất sảnh khách sạn
Không gian thông tầng tại khu vực khách sạn
Capital Gate là một toà nhà cao tầng được thiết kế theo hướng bền vững. Tại đây tích hợp nhiều giải pháp xây dựng, ví dụ như: sử dụng tấm lưới kim loại che nắng mặt trời tại phần nửa dưới của tháp, cho phép giảm đến 30% bức xạ nhiệt của mặt trời; phần nửa trên tháp sử tường hai lớp tạo thành một lớp đệm giữa không khí nóng bên ngoài và không khí được làm mát bên trong; sử dụng kính có khả năng chống bức xạ của mặt trời; xây dựng các thảm thực vật trên mái nhà…
Tấm lưới kim loại che nắng
Tường hai lớp để tạo thành lớp đệm không khí cách nhiệt
Công trình Capital Gate với hình thức kiến trúc độc đáo, công nghệ xây dựng tiên tiến, hiện đã trở thành biểu tượng về sự đổi mới, hoà nhập với thế giới, niềm tự hào của người dân thành phố Abu Dhabi và của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
KTS. Bùi Trọng Giáp, học viên CH lớp KDHN1305, ĐHXD Nguồn: http://www.capitalgate.ae/detail_plan.html http://www.ctbuh.org/TallBuildings/FeaturedTallBuildings/CapitalGateTowerAbuDhabi/tabid/3380/language/en-GB/Default.aspx http://en.wikipedia.org/wiki/Capital_Gate
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét